Chen lấn, ngất xỉu mua vé xe Tết: Đã có giải pháp?

Ngày đăng: 17/04/2017

Liên quan đến tình trạng hàng trăm người phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí ngất xỉu vì xếp hàng chờ đợi mua vé của những hãng xe có tiếng như Phương Trang.... Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Nguyễn Lê Văn, người sáng lập công ty Vé xe rẻ - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tra cứu, đặt vé xe trên mạng.

Có một thực tế rất bất cập là trong khi mọi dịch vụ thu tiền ngày càng được cung cấp nhanh nhất, tốt nhất thì tại các bến xe, hành khách lại phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí ngất xỉu mới có được một tấm vé về quê ăn Tết. Là công ty công nghệ, chuyên cung cấp dịch vụ tra cứu, đặt vé xe trên mạng, ông nghĩ gì về thực trạng này? 

Mỗi năm Việt Nam có hơn 24 triệu người đi lại bằng xe khách và trên 2.000 hãng xe. Tương quan này có thể tạm đáp ứng nhu cầu đi lại trong ngày bình thường. Tuy nhiên vào những dịp cuối năm hay lễ tết, nhu cầu đi lại tăng vọt, cầu lớn hơn cung nhiều lần nên mới xảy ra tình trạng trên. Thực tế là bây giờ tìm được hãng xe uy tín còn vé Tết đã khó, để mua được vé còn khó hơn.

Nhưng dù ít mà vé được bán hợp lý thì cũng không thể có tình trạng chen lấn xô đẩy cả ngày để mua vé như vậy? Theo ông, bán vé xe khách trên mạng có giải quyết được tình trạng này?

Chắc chắn, ứng dụng công nghệ vào đặt, mua vé trực tuyến sẽ giải quyết được việc người dân mất quá nhiều thời gian xếp hàng mua vé.

Các hãng xe hiện nay đều yêu cầu khách đến tận nơi để mua vé và thanh toán bằng tiền mặt. Nhiều hãng có quy trình mua vé rất phức tạp, đầu tiên là xếp hàng lấy số thứ tự, sau đó lại xếp hàng mua vé hoặc có hãng còn yêu cầu hành khách đặt cọc trước rồi tới gần khi đi thanh toán tiền còn lại. Nhiều người mất cả ngày, thậm chí phải xếp hàng, chờ đợi vài ba ngày mới mua được vé, rất khổ sở.

Ngoài ra, cũng có tình trạng hãng xe muốn kiếm lời hơn nữa nên đẩy một số lượng khá lớn vé cho cò bán. Bạn ra bến xe, vào quầy bến hỏi mua vé thì hết nhưng hỏi cò chắc chắn có với giá cao hơn nhiều.

Nếu các doanh nghiệp vận tải xe khách bán vé xe trực tuyến, những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết triệt để. 

Tuy nhiên, để làm được việc này cũng vướng rất nhiều. Bản thân công ty chúng tôi cung cấp dịch vụ tra cứu, đặt vé xe trên mạng nhưng khi đặt vấn đề với các hãng xe mới ngỡ ngàng nhận ra nhiều chủ doanh nghiệp không có khái niệm gì về chuyện này. Thậm chí họ chưa từng bao giờ sử dụng máy tính, đừng nói tới việc ứng dụng phần mềm quản lý xe khách và bán vé xe trực tuyến. Ngoài ra, chi phí tự xây dựng hệ thống này là rất đắt.

Để bán vé xe trực tuyến trên mạng cần đầu tư bao nhiêu? Có quá sức với các hãng xe hiện nay hay không, theo ông?

Nếu các doanh nghiệp vận tải tự phát triển hệ thống bán vé xe trực tuyến thì chi phí rất cao. Bao gồm đầu tư nhân lực, trang bị hệ thống hạ tầng máy tính, đường truyền, rồi phần mềm… 

Một số hãng xe lớn, như tôi được biết có 8 -10 nhân viên IT. Mỗi người lương 10 triệu/tháng mà họ vẫn chưa thể làm được hệ thống bán vé trực tuyến. Những hãng xe khách lớn, có uy tín chưa làm được việc đặt vé online, chứ chưa nói tới thanh toán vé trực tuyến thì các hãng nhỏ làm sao được.

Tôi biết một hãng xe chạy tuyến HN - Vinh đã chi khoảng 300 triệu để tự làm hệ thống đặt vé trực tuyến nhưng lại không thành công khi đem ứng dụng vào thực tế. Chương trình được viết ra đã không lường hết những vẫn đề phức tạp trong việc bán vé xe khách.

Công ty VeXeRe.com của chúng tôi đã chi ra khoảng 2 tỷ đồng để nghiên cứu và vận hành hệ thống tra cứu, đặt vé xe trên mạng. Với khoản đầu tư ấy, một hãng xe lớn chưa chắc đã có thể chi.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vận tải sử dụng hệ thống này do một đơn vị khác cung cấp thì chi phí rẻ hơn rất nhiều và rủi ro đầu tư thấp hơn hẳn. Chi phí lắp đặt hệ thống ban đầu chỉ khoảng từ 5-10 triệu, chi phí vận hành cũng chỉ vài ba triệu đổ lại đến vài trăm ngàn, tuỳ vào quy mô hãng xe.

Ông Trần Lê Văn


Ông Trần Lê Văn

Phương án giải quyết đã khá rõ ràng nhưng theo ông, tại sao các nhà xe vẫn không mặn mà?

Theo tôi, việc bán vé xe khách trực tuyến là một bài toán dài hơi và tốn thời gian với bất kỳ hãng xe nào. Câu chuyện này dễ dàng hơn với hàng không bởi phân khúc khách hàng của họ có khả năng thanh toán online rất cao.

Khách đi xe đò thì điều kiện kinh tế ở tầm trung chở xuống, việc thanh toán trực tuyến với họ không dễ.

Khó khăn thứ hai là việc ứng dụng hệ thống trực tuyến với các hãng xe là một trở ngại khá lớn khi nhiều hãng có quy mô nhỏ, nguồn lực và tầm nhìn hạn chế. Nhiều hãng xe thấy phiền phức vì ngại ứng dụng công nghệ vào công việc của mình. 

Nếu các hãng xe có tư duy mở và biết tận dụng công nghệ vào quản lý thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Đến nay VeXeRe đã triển khai hệ thống quản lý xe khách cho hơn 10 hãng xe và số lượng hãng xe có nhu cầu tìm đến VeXeRe tư vấn đang tăng lên đột biến trong tháng 3 nên tôi cho rằng không phải tất cả các hãng đều không mặn mà với chuyện này.

Ông có cho rằng những doanh nghiệp lạc hậu trong lĩnh vực này rồi sẽ bị đào thải?

Đó thực sự là xu hướng tất yếu. Cũng giống như điện thoại trước đây, nếu như những năm 80 - 90, điện thoại bàn là một cái gì đó cực kỳ ghê gớm, thì chỉ sau một thời gian ngắn ai cũng có điện thoại bàn, sau đó là điện thoại di động. Điều đó phản ánh hành vi và thói quen của khách hàng thay đổi rất nhiều và ngày càng nhanh.

Uber cũng là một ví dụ điển hình. Khi chưa có Uber, taxi “sống” rất khoẻ. Nhưng khi Uber đem ứng dụng công nghệ vào,  bài toán thị trường đã được thay đổi. Chính vì đặt xe rất dễ dàng và nhanh chóng nên khách hàng tìm đến Uber nhiều hơn.

Một khi khách hàng cảm thấy việc phải đi đến tận nhà xe, bến xe để hỏi thông tin chuyến đi, để xếp hàng mua vé quá phiền phức, mệt mỏi thì họ sẽ chọn mua vé của những nhà xe bán vé trực tuyến. Đến lúc ấy, các doanh nghiệp vận tải xe khách khác không bán vé trực tuyến chắc chắn sẽ bị rớt lại phía sau.

Ông nói rất thuyết phục nhưng hiện nay, ngay cả vé xe rẻ cũng chưa thể bán vé trực tuyến trong dịp Tết mà mới chỉ cung cấp được dịch vụ tra cứu, đặt vé trên mạng. Điều gì cản trở công ty làm được điều này?

Vé xe rẻ hiện nay đã có mười mấy hãng sử dụng phần mềm, chúng tôi cũng đã thuyết phục được một số hãng bán vé online. Dự kiến đầu năm tới sẽ triển khai.

Hiện tại, chúng tôi có gặp một chút khó khăn khi một số hãng bình thường hợp tác và để cho chúng tôi phân phối vé của họ trên mạng. Nhưng Tết đến, vì nhu cầu lớn quá nên nhà xe muốn bán vé trực tiếp và bỏ qua các kênh phân phối bình thường. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các nhà xe sử dụng hệ thống, quy trình của chúng tôi vào quản lý nguồn vé, số lượng vé bán ra tự động từ đó tránh thất thoát và quản lý doanh thu tốt nhất.

Tôi muốn nhấn mạnh tới việc hiện nay, vé xe Tết của các hãng xe uy tín không đủ cung cấp cho khách hàng. Điều gì khiến họ không muốn tăng xe, tăng vé bán ra? Có một phần vì với cơ chế áp mức giá nhất định như hiện nay, doanh nghiệp không chủ động được bài toán kinh doanh.

Tôi mong rằng về lâu dài chúng ta hãy để thị trường tự điều tiết. Các hãng tính toán thấy lời sẽ đầu tư thêm xe, các cá nhân khác thấy hiệu quả sẽ tự mở thêm hãng xe, và những hãng có chiến lược kinh doanh tốt sẽ hạ giá để cạnh tranh. Sự mất cân đối cung cầu như hiện nay sẽ giảm xuống. Khi ấy mức giá thị trường quyết định sẽ là giá phù hợp nhất và chúng ta không cần đến những mệnh lệnh hành chính để áp giá trong bất cứ thời điểm nào. 

Xin cảm ơn ông!

Tổng đài hỗ trợ

19001069